Pages

10 YẾU TỐ TẠO ĐỘNG LỰC

Giả sử mức lương công ty đưa ra là công bằng và cạnh tranh, thì biện pháp thúc đẩy cá nhân chắc chắn nhất là những điều làm cho công việc của nhân viên trở nên thú vị hơn. Sau đây là một số đề xuất đáng tin cậy. 
  1. Chứng minh sự tin tưởng: tức là sự thể hiện lòng tin của người quản lý, lãnh đạo vào năng lực làm việc của nhân viên: bằng cách: loại bỏ sự kiểm soát, yêu cầu nhân viên lập kế hoạch hay lịch làm việc, hoặc cho cấp dưới đảm nhận một phần việc mà bạn thường giải quyết. Nhưng phải chắc chắn rằng: nhân viên mà bạn tin tưởng phải hiểu rằng họ chịu  trách nhiệm về kết quả, đồng thời bạn phải giám sát và hỗ trợ khi cần thiết.
  2. Làm cho công việc hoàn chỉnh hơn: khi nhân viên làm mỗi một việc lặp đi lặp lại họ sẽ nhàm chán và điều đó tước bỏ động lực làm việc của họ. Nếu bạn muốn khích lệ những nhân viên đang trong tâm thế sẵn sàng đón nhận thách thức mới, hãy giao cho họ một công việc hoàn chỉnh hơn với những trách nhiệm rõ ràng.
  3. Đưa ra thách thức: con người ai cũng yêu Chân Thiện Mỹ, ai cũng muốn điều tốt hơn, muốn vươn tới sự hoàn hảo để cải thiện bản thân, hãy cho nhân viên những cơ hội công việc mới mang tính thách thức, điều này sẽ tạo ra sức mạnh thúc đẩy nhân viên phát triển bản thân và nâng cao hiệu suất công việc.
  4. Khuyến khích nhân viên trở thành chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp: khuyến khích họ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực họ am hiểu hay yêu thích sẽ làm cho họ cảm thấy tự hào hơn và có cảm giác thành đạt cũng như được nhìn nhận và đánh giá cao trong công việc. Điều này đồng thời đem lại giá trị thực sự cho công ty.
  5. Vượt qua nỗi sợ hãi: động viên nhân viên vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình (sợ làm sai, sợ số đông, sợ sếp …), khuyến khích nhân viên cởi mở trao đổi, sáng tạo, dám mạo hiểm một cách thông minh, đưa ra chính kiến cải thiện quy trình công việc, chấp nhận và học hỏi từ sai lầm, vượt lên chính mình.
  6. Bảo vệ phẩm giá của cấp dưới: bạn không thể khích lệ nhân viên nếu bạn tước bỏ phẩm giá của họ. Hãy giữ gìn phẩm giá và lòng tự trọng của cấp dưới bằng mọi giá, ngay cả khi bạn phải phê bình hiệu suất làm việc của họ. Hãy nhớ: khen ngợi trước mặt mọi người nhưng chỉ trích thì gặp riêng.
  7. Sa thải những nhân viên lười biếng: những nhân viên này không muốn làm gì ngoài những yêu cầu công việc tối thiểu, họ làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự nhiệt tình và tính sáng tạo mà mọi công ty và tập thể đều cần để cải thiện hiệu suất làm việc. Không nên hạ thấp tiêu chuẩn công việc với đối tượng này, thay vào đó nên đặt ra một chuẩn mực cao nhưng có tính khả thi và thách thức để nhân viên nỗ lực. Nếu những nhân viên lười biếng không thể hoặc không chịu phấn đấu để vượt qua thử thách này, nhà quản lý có ba phương án giải quyết: cải thiện hiệu suất làm việc thông qua công tác huấn luyện; chuyển sang các vị trí phù hợp với khả năng hơn; sa thải.
  8. Trao quyền chứ không quản lý vi mô: nhân viên sẽ có động lực làm việc hơn khi họ cảm thấy được làm chủ công việc của mình, đây là hành động kích thích tính tự chủ và làm chủ của nhân viên, nâng cao tinh thần làm việc dẫn đến nâng cao hiệu suất làm việc và doanh thu. Tuy nhiên, cũng phải đặt ra giới hạn, đặt ra khung sườn để nhân viện của bạn tư duy, sáng tạo và làm chủ trong khuôn khổ phù hợp.
  9. Tuyển những con người năng động: đây là những người mà tự thân họ đã có động lực thúc đẩy, họ có thái độ lạc quan, tự tin, có mục tiêu, tham vọng nghề nghiệp và sẵn sàng đón nhận thử thách. Những người này hiếm khi cần sự dẫn dắt, chỉ cần bạn giao phó cho họ công việc đúng với khả năng, hỗ trợ những nguồn lực phù hợp, có chế độ khen thưởng tương xứng, thì họ sẽ hoàn tất công việc một cách hiệu quả. Thái độ của họ có khả năng ảnh hưởng rất rộng.
  10. Trở thành một nhà quả lý giỏi: động lực thúc đẩy tinh thần làm việc thường nảy sinh một cách tự nhiên khi nhân viên có một nhà quản lý giỏi mà họ nể trọng và có mối quan hệ tốt đẹp. Một nhà quản lý giỏi không chỉ đạt được mục tiêu của phòng ban, mà còn phải có được sự nể trọng và tin tưởng của nhân viên cấp dưới thông qua những hoạt động hiệu quả sau đây:
  • Duy trì được chuẩn mực cao cho bản thân và cho cấp dưới
  • Trao quyền và phát triển nghề nghiệp cho nhân viên cấp dưới
  • Thừa nhận những đóng góp của người khác
  • Đưa ra ý kiến phản hồi khách quan
  • Khen thưởng cho hiệu suất làm việc tốt
  • Quan tâm đến mục tiêu cá nhân của cấp dưới

Trích: Quản Lý Hiệu Suất Làm Việc Của Nhân Viên - Bộ sách Cẩm Nang Kinh Doanh Harvard| Các Giải Pháp Kinh Doanh Hiệu Quả Và Thực Tiễn Nhất - First News